Đương Đầu Với Số Phận

Việc Nghĩa-Bất Hạnh
Gần 12 năm trời, đôi vợ chồng cựu chiến binh Út Thanh (Nguyễn Văn Thanh, thương binh 4/4) và vợ là chị Quách Thị Nghễ phải chống chọi với bệnh tật trong cảnh nghèo túng.
Chị Nghễ trên giường bệnh
    Anh Hai Chiến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ cho biết, anh Út Thanh là gia đình chính sách gặp khó khăn. Xã, ấp cũng đã giúp đỡ hết lòng trong khả năng, nhưng bệnh của chị làm cho kinh tế gia đình khó gượng dậy.
Gia đình Út Thanh được cấp sổ hộ nghèo năm 1999. Cũng năm này, chị Nghễ ngã bệnh. Anh Thanh hết lòng chạy lo thuốc thang nhưng bệnh của chị ngày một nặng thêm. Nhà chỉ có 8 công đất cha mẹ cho, anh lần lượt bán để đưa chị đi chữa trị tới bệnh viện huyện, tỉnh,… Cuối cùng, người ta chẩn đoán chị mắc chứng parkinson, phải điều trị dài ngày, bằng nhiều liệu pháp rất tốn kém… Nhà nghèo, anh đành ngậm ngùi đưa vợ về trong nỗi lo… tuyệt vọng! Rồi, hai đứa con của anh lần lượt bỏ dở chuyện học hành, đi ở thuê cho người ta với hy vọng gom góp đủ tiền để lo bệnh cho mẹ. Nhưng đã nhiều năm qua rồi, cả gia đình chưa thực hiện được khát vọng ấy. Chị Nghễ vẫn hằng ngày đối chọi với căn bệnh ngặt nghèo, không thuyên giảm.
    Hiện mỗi tháng, anh Thanh lãnh lương thương binh 766.000 đồng, chị Nghễ lãnh trợ cấp bảo trợ xã hội 360.000 đồng. Bấy nhiêu thu nhập cũng khó chi phí cho cơm, rau mỗi ngày, huống chi nói đến các nhu cầu khác. 12 năm chị ngã bệnh, anh phải gồng gánh nuôi hai đứa con, lo thang thuốc cho chị… Tất cả dường như đã vắt kiệt sức lực còn lại của một thương binh, khiến anh gầy còm. Anh Thanh nói: “Bây giờ chỉ cho bả (chị Nghễ) uống thuốc được cấp phát theo chế độ bệnh hằng tháng. Bả sống được ngày nào hay ngày đó, chớ hết khả năng rồi! Anh em địa phương cũng đã giúp tôi rất tận tình, nhưng thiệt ái ngại vì chưa tính được cách gì để trả nợ tôn nền nhà 5 triệu đồng, nợ vốn giúp đỡ hội viên cựu chiến binh nghèo 2 triệu đồng”. Anh Út Thanh sợ nợ, nên khi chương trình cho vay kéo nước sạch (4 triệu đồng/hộ), anh không dám viết đơn vay.

   Trong căn nhà tình nghĩa mà anh được tặng hồi năm 2003, chẳng có gì ngoài chiếc kệ thờ. Cái nền nhà lót gạch tàu lún sụp lỗ chỗ, nên cả khách và chủ phải trải chiếu ngồi ở hàng ba. Chị Nghễ không chịu cảnh ngột ngạt trong phòng kín nên anh chiều ý làm một mái chái, kê giường tre cho chị nằm dưỡng bệnh. Chị kể rằng, chị tham gia cách mạng năm 1970, công tác ở cơ quan Giao bưu tỉnh Cần Thơ, bí danh là Út Xuân. Anh là bộ đội Tiểu đoàn Tây Đô. Hai người thành hôn với nhau vào năm 1971. Điều kiện thời chiến tranh nên cả hai vợ chồng ai lo công tác nấy, hiếm dịp gặp nhau. Mãi đến ngày giải phóng, khi anh em cùng đơn vị về thành phố hết mà chẳng thấy anh đâu, chị mới tất tả chạy tìm đơn vị hỏi thăm thì biết anh bị thương nằm dưỡng bệnh ở quân y. Chị tới và rước anh về quê sống. Căn bệnh lâu năm làm giọng nói của chị trệu trạo, không tròn tiếng. Nhưng trong chị vẫn còn lưu giữ cảm xúc ngày ấy, chị rưng rưng nước mắt nói: “Hồi đó, tụi tôi đâu có nghĩ gì sâu xa, hết chiến tranh coi như mình xong nhiệm vụ với đất nước. Vợ chồng còn sum họp nhau là mừng, nên tới đơn vị quân y là tôi rước ảnh đưa về quê liền, không báo cho cơ quan. Thời đó làm như vậy là vi phạm kỷ luật, y như tội đào ngũ. Sau này bình tâm nghĩ tới, tôi có hơi thẹn trong lòng nên có nhiều đợt Nhà nước kêu báo công, làm chính sách cho người tham gia kháng chiến, tôi mắc cỡ, nín tiếng luôn”.

    Tôi viết bài này, với hy vọng là các đồng đội của chị Út Xuân, anh Út Thanh dù còn công tác hoặc đã nghỉ hưu hãy một lần về ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ thăm anh, chị - người đồng đội năm xưa và tìm cách giúp đỡ gia đình anh chị vượt qua cảnh nghèo nàn, bệnh tật.
~*""*~ THE END ~*""*~

Bài, ảnh: LẬP CHƯƠNG
Nguồn tin: baohaugiang.com.vn -
http://netdeptuoitre.org.vn


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào: