Việc Nghĩa-Bất Hạnh
Như cây măng dại mọc bên bụi, lớn lên không tình thương của cha và mẹ nhưng cậu bé Lê Văn Giai (học sinh lớp 2A trường tiểu học Cẩm Quan 2, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn luôn gắng gượng vượt lên số phận. 2 năm liền Giai đều đạt học sinh giỏi của trường.
Sinh ra, Giai đã là đứa trẻ không có cha. Mẹ Giai – người phụ nữ có chút nhan sắc bỗng hóa dại khi người bạn đời bỏ đi, không thừa nhận đứa con thơ. Ít năm sau, người đàn bà mang bệnh điên lại sinh thêm 1 đứa trẻ nữa. Bao gánh nặng, đổ dồn lên chiếc lưng còng của bà ngoại đã ngoài 70 tuổi.
Ở Bên Mẹ nhưng ánh mắt của Giai Luôn Sợ Hãi
Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, mỗi khi thấy bóng dáng mẹ ở đâu, Giai lại trốn mất tăm. Đưa chúng tôi tới nhà, cậu bé cứ bíu chặt hàng rào, không chịu vào. Chỉ đến khi thầy giáo Võ Tá Huân - Hiệu trưởng nhà trường cầm tay, Giai mới rón rén bước vào chính ngôi nhà của mình.
Ngôi nhà tranh dột nát là nơi trú ngụ của mẹ con Giai suốt bao năm qua. Nơi tránh mưa tránh nắng là 4 vách tường đất chưa đến 3 mét vuông. Đặt tay nhẹ lên bức vách đã nghe tiếng cót két tưởng chừng sắp đổ. Ánh nắng mặt trời chiếu không bỏ sót chỗ nào trong 4 bức vách ấy.
Chị Lê Thị Thái – mẹ của Giai, nhìn chúng tôi với ánh mắt dài dại của người đàn bà đã 8 năm bị căn bệnh điên hành hạ. Nhìn thấy Giai ánh mắt người đàn bà chợt dịu lại đôi chút. “Giai mặc ai mà xấu vậy con”, chị đưa tay vẫn đứa con về phía mình. Trái với hình ảnh thường thấy, cậu bé Giai cứ nép sau thầy hiệu trưởng, sợ sệt nhìn mẹ.
Thầy Hiệu trưởng chép miệng: “em sợ là phải, ngày mô mẹ cũng đập, cũng đạp… đến người lớn còn khiếp nữa là đứa con nít. Thời gian tỉnh táo chắc cũng chỉ tính bằng phút thôi”. Như sợ chúng tôi nhìn thấy những vết thâm trên cánh tay, Giai vội giấu vào trong chiếc áo.
Mỗi khi căn bệnh của mẹ tái phát, để tránh những trận đòn, Giai ôm em chạy sang nhà hàng xóm hoặc chui vào một ngôi nhà bỏ hoang gần trường. Cả đêm đành ôm bụng đói đi ngủ.
Nhiều hôm Giai đi học, mẹ tới tận trường kéo em về, Giai không về bị mẹ đánh ngay tại lớp. Giáo viên trong trường phải vào căn ngăn.
Hình ảnh như thế đã quá quen thuộc kể từ khi Giai bước chân vào lớp 1. Giai ứa nước mắt nói: Các bạn ngày mô cũng được bố mẹ đưa đón, còn con cứ đến trường lại bị mẹ kéo về đánh. Con đau và sợ lắm, chỉ mong mẹ khỏi bệnh, đừng đánh con đau nữa thôi.
Không chỉ đánh đập Giai mà đứa em 5 tuổi và người bà đã ngoài 70 tuổi hàng ngày vẫn nếm những trận đòn của người đàn bà điên. Lắm lúc, đang ăn cơm, nghe tiếng mẹ Giai ngoài đường, 3 bà cháu vắt vội nắm cơm chạy đi trốn.
Giai chỉ đống quần áo rách rướm tơi tả trước sân, tủi thân nói: “quần áo đã rách lắm rồi, có còn chỗ nào không vá được nữa đâu vậy mà mẹ còn cắt, xé tươm không còn chút vải để mặc được. Từ khi sinh ra 2 anh con chưa mặc được cái áo mô lành lặn cả”.
"Những khi nhớ tui giận lắm, lại thương các cháu nhưng biết mần chi đây. Cũng tại bệnh tật, nhà nghèo muốn chữa bệnh cho con cũng chịu. Chính quyền và bà con lối xóm có hỗ trợ đưa nó đi điều trị được vài ba lần, hết tiền thì phải đưa về thôi" - Bà Nguyễn Thị Săm - bà ngoại Giai chua xót.
Để nuôi 2 cháu và đứa con bị bệnh điên, bà ngoại Giai lang thang khắp xóm để kiếm chút tiền. Bất kể là vài ba cọng rau trong vườn, hay bới từng miếng sắt, các chai trong đống rác người ta vứt đi. Ngoài 70 tuổi, bà vẫn phải nai lưng ra nuôi 4 miệng ăn trong nhà. Tuổi đã cao, bà cũng đành bất lực nhìn các cháu bữa no, bữa đói đau đến quặn lòng.
Mặc dù, hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng nghị lực của Giai thật khiến bạn bè cùng trang lứa phải khâm phục. 2 năm liền em đều là học sinh giỏi của trường. Cô giáo Trần Hải Vân – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết: “Ở lớp Giai rất ít nói, nhưng trong giờ học em phát biểu rất hăng say. Đặc biệt em tiếp thu bài rất nhanh và chăm chỉ. Học kỳ 1 vừa qua, các môn thi của em đều đạt điểm 10”.
Giai tranh thủ nấu vội nồi cơm khi Mẹ đi vắng
Ở nhà, không có chỗ để học nên Giai vẫn học bài ở trong ngôi nhà hoang gần nhà. Sách vở cũng được giấu nơi bụi cây gần đó, hoặc nhờ bạn giữ hộ. “Nhiều lúc trời mưa cất không kịp ướt hết sách vở. Nhưng đưa về nhà mẹ xé mất lấy gì mà học”, Giai ngập ngừng nói.
Khi được hỏi chiều nay ăn gì, Giai thật thà kể: “bà đưa đi mô ăn được cái chi thì ăn”. Giai mới 8 tuổi, còn Lê Thị Nhi – em gái Giai mới 5 tuổi vẫn thường vác bụng lép kẹp đến trường vào mỗi buổi sáng. Bữa cơm no của Giai đơn giản chỉ là 1 bát cơm đầy và vài ba miếng rau. Với em đó cũng là cả một ước mơ. Và có lẽ ước mơ đó càng xa với hơn với 2 anh em Giai khi bà ngoại đang ngày một già yếu.
~*""*~ THE END ~*""*~
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét