Không nhà cửa, sống đời làm mướn, làm thuê đã khổ, anh chị lại sinh 2 người con tàn tật, cuộc sống của gia đình họ càng khó khăn hơn.
Đến ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, hỏi thăm gia đình anh Lê Văn Quân và chị Thị Mỹ Thanh, hầu như ai cũng thương cảm cho số phận nghèo khó, hẩm hiu của vợ chồng anh chị. Là nông dân mà không có đất sản xuất phải đi làm thuê, làm mướn quanh năm khiến cuộc sống của vợ chồng anh vô cùng chật vật. Được biết, thời thanh niên anh Quân cũng khao khát có một gia đình, nhưng sự nghèo của anh làm nhiều cô gái phải ngán ngại. Cũng may nhờ duyên phận đã khiến anh gặp gỡ chị Thanh, một cô gái nghèo cùng xã trong những lần đi cắt lúa mướn. Cái nghèo đã gắn kết anh chị thành vợ thành chồng hơn chục năm về trước. Những tưởng khi vợ chồng chịu khó làm ăn, dành dụm thì cuộc sống sẽ khá hơn, nhưng đúng như câu ông bà vẫn thường nói “nghèo còn gặp cái eo”. Lấy nhau được mấy năm chị Thanh sinh bé Huyền Trân. Nhưng đến nay đã được 7 tuổi mà Trân vẫn không biết nói, gia đình đưa đi bệnh viện khám thì mới biết Trân bị câm điếc bẩm sinh. Anh Quân nói: “Nếu chỉ có vậy thì chắc vợ chồng tôi không khổ đến nỗi nào, 4 năm sau vợ chồng bàn nhau sinh thêm một đứa nữa, ai ngờ mới sinh ra nó đã èo uột khó nuôi, vài tháng sau bị sốt huyết não rồi nằm liệt một chỗ cho đến giờ”. Cho đến hiện tại, vợ chồng anh vẫn không có nhà để ở, cuộc sống cả nhà cứ trôi nổi trên một chiếc ghe nhỏ. Ngày mưa cũng như ngày nắng, hai đứa nhỏ phải theo chân cha mẹ đi làm mướn quanh năm. Hôm chúng tôi tìm đến, vợ chồng anh đang cắt lúa mướn ngoài đồng, anh chị dựng lều rồi cho hai đứa con ở đó. Đứa lớn có trách nhiệm phải trông chừng đứa nhỏ, nhưng làm sao bé Trân trông em mình cho tốt được khi nó có nghe, có nói gì được đâu? Cảnh hai chị em thui thủi chơi với nhau khiến không ít người phải xót xa, lâu lâu bé Trân lại bắt chước mẹ vỗ nhẹ nhẹ vào mông em, rồi cất lên mấy tiếng ư ứ trong cổ họng. Nhìn hai đứa trẻ không lành lặn quấn quýt bên nhau giữa cánh đồng bạt ngàn nắng gió làm ta suy nghĩ không biết rồi đây cuộc đời chúng sẽ ra sao?
2 đứa trẻ trong túp liều dựng
khi cha mẹ phải đi ra đồng làm.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, vất vả mà gia đình đang gặp phải, chị Thanh như nghẹn ngào: “Khổ lắm, nhà nghèo hai vợ chồng phải làm thuê, làm mướn quanh năm nên không có thời gian chăm sóc hai đứa con, dù biết hai đứa nó cần sự quan tâm của cha mẹ nhiều hơn những đứa trẻ khác. Nhưng cuộc sống nghèo khổ quá cứ ở nhà chăm sóc chúng thì chắc chết đói cả nhà. Thấy bỏ tụi nó lăn lóc cũng tội, nên có hôm nhờ con bé hàng xóm nó trông hộ nhưng mà cũng đâu có nhờ hoài được. Nhiều đêm tui nghĩ đến tương lai của hai đứa con mà nước mắt cứ chảy dài. Bây giờ thì vợ chồng tui còn trẻ còn làm nuôi tụi nó nổi, nhưng mai mốt lỡ có gì không biết ai lo cho tụi nó nữa”.
Nhìn thằng bé ngoặt ngoẹo trong đôi tay chị khi chị đút cháo cho nó, chúng tôi biết rằng chị đang cố bù đắp phần nào sự thiếu may mắn của con hay của chính bản thân mình. Cuộc sống xung quanh ta còn rất nhiều những cảnh đời đáng thương như thế, thiết nghĩ việc cùng nhau chia sẻ phần nào những bất hạnh mà gia đình anh Quân gặp phải sẽ vô cùng ý nghĩa, góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần để anh chị vươn lên trong cuộc sống.
~*""*~ THE END ~*""*~
Mọi sự giúp đỡ của quý mạnh thường quân xin gửi về địa chỉ: Đội công tác xã hội Báo Hậu Giang, đường Võ Văn Kiệt, phường 5, thành phố Vị Thanh.
Nguồn tin: baohaugiang.com.vn -
http://netdeptuoitre.org.vn
2 nhận xét:
Thật khó cầm lòng để ngăn lại nhũng giọt nước mắt khi nhìn những cảnh đời bất hạnh kia...tôi thầm cám ơn ông trời đã ban cho con mình sự lành lặn.
ko ai có thể lựa chọn gia đình của mình. Hãy thật kiên trì và cố gắng. Người Việt có câu rất hay " Lá lành đùm lá rách, Lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Đăng nhận xét