I. NHO GIÁO LÀ GÌ ?
- Nho giáo là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán Tự từ Nho gồm từ nhân (người) đứng cận chữ Nhu (cần, đợi, chờ). Nho Giáo còn gọi là nhà nho, người đọc sách thánh hiền, được thiên hạ trọng dụng để dạy bảo người đời, ăn ở cho phù hợp với luân thường đạo lý.
- Nội dung của Nho giáo được thể hiện trong Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu) hay Tứ Kinh (Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử). Quan điểm của nho giáo thể hiện trong Tam Cương đó là các mối quan hệ vua-tôi, cha-con, vợ chồng và Ngũ Thường ( Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Nho giáo ảnh hưởng hầu hết các nước phong kiến phương Đông qua quá trình giao thoa và đồng hòa.
- Ở nước ta Nho giáo xuất hiện cùng với sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, và phát triển rất nhanh trong khoảng thời gian từ thế kỷ X-XIII. Trong thời đại ngày nay Nho giáo được chọn lọc và cần gìn giữ để phát triển những mặt tích cực của nó như coi trọng việc học, tôn sư trọng đạo, giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lối sống gia đình...
II. SƠ LƯỢC VỀ TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO
Nói đến nền văn hóa truyền thống Trung Quốc không thể không nói đến một nhân vật đó là Khổng Tử. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, một học giả Mỹ đã xếp Khổng Tử ở ngôi vị thứ 5, chỉ sau chúa Giê-xu, Thính-ca-mâu-ni... trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử. Đối với người Trung Quốc mà nói sự ảnh hưởng của Khổng Tử có thể phải xếp thứ nhất vì mỗi con người ở đấy ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử.
- Khổng Tử là người sáng lập ra học thuyết Nho giáo ở Trung Quốc. Hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng đối với Trung Quốc không chỉ về chính trị, văn hoá...mà còn thể hiện trong hành vi và phương thức tư duy của mỗi con người Trung Quốc. Có học giả nước ngoài thậm chí coi tư tưởng Nho giáo là tư tưởng Tôn Giáo của Trung Quốc. Trong thực tế, trường phái Nho giáo chỉ là một trong rất nhiều trường phái thời cổ Trung Quốc, nó là một tư tưởng triết học chứ không phải là Tôn giáo, chẳng qua là do được coi là tư tưởng chính thống trong xã hội phong kiến hơn hai nghìn năm ở Trung Quốc và vì người Hoa và Hoa kiều có mặt hầu như trên toàn thế giới, có thể nói sự ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử đã không còn giới hạn ở Trung Quốc và châu Á nữa.
Thời Xuân Thu từ 722 đến 481 TCN |
- Khổng Tử sống trong thời Xuân Thu, thời kỳ này thể chế quốc gia thống nhất bị phá vỡ, sản sinh ra nhiều nước Chư hầu lớn nhỏ. Khổng Tử sinh sống trong nước Lỗ là nước có nền văn hóa tương đối phát triển lúc đó. Tại sao học thuyết của Khổng Tử lại chiếm vị thế thống trị trong thời đại phong kiến Trung Quốc ? Đây là vấn đề không dể giải thích trong một vài câu. Nói một cách đơn giản là tư tưởng đẳng cấp nghiêm ngặt và tư tưởng cải lương chính trị của ông phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, có lợi cho ổn định xã hội lúc bấy giờ và xúc tiến xã hội phát triển. Khổng Tử nhấn mạnh qui phạm và trật tự luân lý nghiêm ngặt, cho rằng nếu làm trái với cấp trên hoặc trái với Cha mẹ đều là tội nghiêm trọng. Theo lý luận này, Vương Quân phải quản lý tốt đất nước, thường dân phải trung thành với Vương quân. Mỗi người đều có nhiều thân phận, có thể là con, có thể là cha, có thể là thần tử... nhưng đều cần phải duy trì ranh giới Tông tôi nghiêm khắc. Như vậy nhà nước mới thái bình, nhân dân mới có cuộc sống yên ổn.
- Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã san định, hiệu Đính và giải thích bộ Lục Kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ Kinh. Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ông tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra sách Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung.
- Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "Tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm: "Nho giáo và Nho gia". Nho gia thì mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học; còn Nho giáo mang tính tôn giáo vì ở Nho giáo, Văn Miếu trở thành thánh đường và Khổng Tử trở thành Giáo Chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NHO GIÁO
Cốt lõi của Nho giáo là Nho gia. Đó là một học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là Quân Tử ( Quân = người làm vua, Quân tử = chỉ tầng lớp trên ở trong xã hội để phân biệt với kẻ "Tiểu nhân" những người thấp kém về điạ vị xã hội; "Quân tử" là những người cao thượng có phẩm chất tốt đẹp, phân biệt với kẻ "Tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức hoặc đạo đức chưa hoàn thiện. Điều này có thể được lí giải bởi đối tượng mà Nho giáo hướng đến trước tiên là những người cầm quyền ). Để trở thành người quân tử, con người ta trước hết phải "Tự Đào Tạo", phải "Tu Thân". Sau khi Tu Thân xong, người quân tử phải có bổn phận phải "Hành Đạo" ( Đạo không đơn giản chỉ là đạo lí. Nho gia hình dung cả vũ trụ được cấu thành từ các nhân tố đạo đức, và Đạo ở đây bao chứa cả nguyên lí vận hành chung của vũ trụ, đó là những nguyên lí đạo đức do Nho gia đề xướng ( hoặc như họ tự nhận mình là phát hiện ra) và cần phải tuân theo. Trời giáng mệnh làm Vua cho người nào có Đạo, tức là nắm được đạo trời, biết sợ mệnh trời. Đạo vận hành trong vũ trụ khi giáng vào con người sẽ được gọi là Mệnh). Cần phải hiểu cơ sở triết lí của Nho giáo mới nắm được logic phát triển và tồn tại của nó.
1. TU THÂN :
Khổng Tử đặt ra một loạt Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức... để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. Tam Cương và Ngũ Thường là lẽ đạo đức mà Nam giới phải theo. Tam Tòng và Tứ Đức là lẽ đạo đức mà Nữ giới phải theo. Khổng Tử cho rằng người trong xã hội giữ được Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức thì xã hội sẽ được an bình.
A. Tam Cương: Nói về ba mối quan hệ Quân Thần (vua tôi), Phụ Tử (cha con), Phu Phụ (chồng vợ).
· Quân Thần ( Vua Tôi) : Trong quan hệ vua tôi. Vua thì thưởng phạt công minh, Tôi tớ phải trung thành một dạ.
· Phụ Tử ( Cha Con ) : Cha hiền Con hiếu. Cha có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, Con phải hiếu thảo và phụng dưỡng khi cha về già.
· Phu Phụ (Chồng vợ ) : Chồng phải yêu thương và đối xử công bằng với vợ. Vợ phải chung thủy tuyệt đối với chồng .
B. Ngũ Thường: Ngũ là năm; Thường là hằng có; Ngũ Thường là năm điều phải hằng có khi ở đời, gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
· Nhân: Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật.
· Nghĩa: Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
· Lễ : Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
· Trí : Sự thông biết lý lẽ, phân biệt rõ thiện ác, đúng sai.
· Tín : Giữ đúng lời hứa, đáng tin cậy.
C. Tam Tòng: Tam là ba, Tòng là theo. Tam tòng là ba điều người phụ nữ phải theo, bao gồm: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"
· Tại gia tòng phụ : tức người phụ nữ khi còn ở nhà thì phải theo cha.
· Xuất giá tòng phu : lúc lấy chồng phải theo chồng.
· Phu tử tòng tử : nếu chồng qua đời phải theo con .
D. Tứ Đức: bốn tính nết tốt của người phụ nữ phải có là: Công - Dung - Ngôn - Hạnh.
· Công : khéo léo trong công việc.
· Dung : hòa nhã trong sắc diện.
· Ngôn : mềm mại trong lời nói.
· Hạnh : nhu mì trong tính nết. Người Quân tử phải đạt được ba điều trong quá trình Tu Thân:
- Đạt Đạo: Đạo có nghĩa là "Con đường" hay "Phương cách" ứng xử mà người quân tử phải thực hiện trong cuộc sống. "Đạt đạo trong thiên hạ có năm điều: đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè" (trong sách Trung Dung), tương đương với "quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu". Đó chính là Ngũ thường hay Ngũ luân. Trong xã hội cách cư xử tốt nhất là "Trung Dung". Tuy nhiên, đến Hán nho Ngũ Luân được tập trung lại chỉ còn ba mối quan hệ quan trọng nhất được gọi là Tam thường hay còn gọi là Tam Tòng.
- Đạt Đức: Quân tử phải đạt được ba đức: "Nhân - Trí - Dũng". Khổng Tử nói: "Đức của người quân tử có ba đức mà ta chưa làm được. Người Nhân không lo buồn, người Trí không nghi ngại, người Dũng không sợ hãi " (sách Luận ngữ). Về sau, Mạnh Tử thay "Dũng" bằng "Lễ, Nghĩa" nên ba đức trở thành bốn đức: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí". Đến thời Hán nho thêm một đức nữa là "Tín" nên có tất cả năm đức là: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín". Năm đức này còn gọi là Ngũ Thường.
- Biết Thi, Thư, Lễ, Nhạc : Ngoài các tiêu chuẩn về "Đạo" và "Đức", người quân tử còn phải biết "Thi, Thư, Lễ, Nhạc" tức là người quân tử còn phải có một vốn văn hóa toàn diện.
2. HÀNH ĐẠO
Sau khi Tu Thân, người quân tử phải Hành Đạo, tức là phải làm quan, làm chính trị. Nội dung của công việc này được công thức hóa thành "Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ". Tức là phải hoàn thành những việc nhỏ là gia đình, cho đến lớn là Trị Quốc, và đạt đến mức cuối cùng là Bình thiên hạ (thống nhất thiên hạ). Kim chỉ nam cho mọi hành động của người quân tử trong việc cai trị có hai phương châm:
- Nhân Trị : Nhân là tình người, nhân trị là cai trị bằng tình người, là yêu người và coi người như bản thân mình. Khi Trọng Cung hỏi thế nào là nhân thì Khổng Tử nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” ( Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác - sách Luận ngữ). "Nhân" được coi là điều cao nhất của luân lý, đạo đức, Khổng Tử nói: "Người không có nhân thì lễ mà làm gì? Người không có nhân thì nhạc mà làm gì?" (sách Luận ngữ).
- Chính Danh : Chính danh là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng chức phận của mình. "Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận tất việc không thành" (sách Luận ngữ). Khổng Tử nói với vua Tề Cảnh Công: "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (sách Luận ngữ).
Đó chính là những điều quan trọng nhất trong các kinh sách của Nho giáo, chúng được tóm gọn lại trong chín chữ: "Tu Thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ".. Và đến lượt mình, chín chữ đó chỉ nhằm phục vụ mục đích cai trị mà thôi.
Quân tử ban đầu có nghĩa là người cai trị, người có đạo đức và biết Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Tuy nhiên, sau này từ đó còn có thể chỉ những người có đạo đức mà không cần phải có quyền. Ngược lại, những người có quyền mà không có đạo đức thì được gọi là tiểu nhân (như dân thường).
Những quan niệm Đạo Đức mà Khổng Tử đề ra không phải là vĩnh cửu, nhưng có nhiều phương châm xử thế, đã giúp ông sống giữa bầy lang sói mà vẫn giữ được tâm hồn cao thượng, nhân cách trong sáng, suy đến cùng thì đạo làm người ấy bao gồm hai chữ “Nhân Nghĩa”.
Khổng Tử giảng chữ "Nhân" cho học trò không lúc nào giống lúc nào, nhưng xét cho kỹ, cốt tủy của chữ Nhân là lòng thương người như chính Khổng Tử nói :
- “Đối với người như đối với mình, không thi hành với người những điều mà bản thân không muốn ai thi hành với mình cả. Hơn nữa cái mình muốn lập cho mình thì phải lập cho người, cái gì mình muốn đạt tới thì phải làm cho người đạt tới, phải giúp cho người trở thành tốt hơn mà không làm cho người xấu đi” (Sách Luận ngữ).
- “Nhân là lòng người, Nghĩa là đường đi ngay thẳng của người” “Nhân là cái nhà của người, Nghĩa là đường đi ngay thẳng của người”
Đến đời Hán nho, Đổng Trọng Thư đưa nhân nghĩa vào Ngũ Thường. “Tam Cương Ngũ Thường“ trở thành trụ cột của lễ giáo phong kiến. Sang đời Tống nho, hai chữ nhân nghĩa càng bị trừu tượng hóa. Các nhà Tống nho căn cứ vào thuyết “Thiện Nhân hợp nhất” khoác cho hai chữ nhân nghĩa sắc thần siêu hình. Trời có ‘lý” người có “Tính” bẩm thụ ở trời. Đức của trời có 4 điều: “Nguyên, Hạnh, Lợi, Trinh“; Đức của người có “Nhân, Nghĩa, Lễ và Trí“. Bốn đức của người tương cảm với đức của trời.
Hệ thống hóa lại một cách tóm tắt hai chữ “Nhân Nghĩa” ở một số thời điểm phát triển của Nho giáo như trên, ta có thể kết luận hai chữ “Nhân Nghĩa” của Nho giáo là khái niệm thuộc phạm trù đạo lý, nội dung từng thời kỳ có thêm bớt nhưng căn bản vẫn là những lễ giáo phong kiến không ngoài mục đích duy nhất là ràng buột con người vào khuôn khổ pháp lý Nho giáo phục vụ quyền lợi của giai cấp phong kiến. Trong quá trình phát triển càng ngày Nó càng bị trừu tượng hóa trên quan điểm siêu hình.
Tuy nhiên quan điểm Đạo Đức của Nho giáo quả là có rất nhiều điểm tích cực. Một trong những đặc điểm đó là đặt rõ vấn đề người quân tử, tức là người lãnh đạo chính trị phải có đạo đức cao cả, dù nguyên tắc ấy không được thực hiện trong thực tế nó vẫn là một điểm làm chỗ dựa cho những sĩ phu đấu tranh. Nho giáo đã tạo ra cho kẻ sĩ một tinh thần trách nhiệm cao cả với xã hội.
19 nhận xét:
Bài viết hay và rất khái quát! Cảm ơn bạn nhé!
Hihi, vẫn còn rất nhiều chi tiết đang chờ bạn bổ sung đó, hehe ! Nói vui thôi, cám ơn bạn đã quan tâm nhé .
minh cam on bai viet nay da giup minh lam tot bai kiem tra
Bài viêt tuỵet vời!
Cảm ơn bạn.
cam on ban ve bai viet nhe... gon gang va kha day du.
Tuy nhien trong muc "tam cuong" minh thay co gi do chua xuoi lam... Truoc day minh duoc biet tam cuong la Quan, Su, Phu - nghia la Vua-toi, Thay-tro, Cha-con (khong thay co Vo-chong...
Chuc ban luon binh an.
Mình đã tham gia lại 1 vài trang wed, mục Tam Cương vẫn có ý nghĩa trên. Không hiểu em đã có được thông tin đó ở đâu nhưng về lý của bạn thì mình cũng không sai, hihi. Rất cám ơn bạn đã góp ý nhé. Chúc bạn vui vẻ
Tam cương là vua - tôi, cha - con và chồng - vợ. Bạn viết vợ - chồng là không đúng đâu. Và nếu ban nói là quan hệ quân - thần thì 2 cái còn lại cũng phải dùng từ Hán là phụ - tử và phu - phụ
Theo như ý kiến của bạn , mình đã cho sửa lại ngay rồi, quả thật mình đã sơ suất. Thiệt cám ơn bạn nhé nha.
Bạn lấy tam cương này trong sách nào thì chia sẻ cho mình nhé?
Tại sao mình thấy Nho Giáo của Khổng Tử không nhằm mục đích chính trị gì cả? Mình chỉ thấy qua từng thời kì, nó lại được giai cấp thống trị sử dụng và phát triển cho" phù hộ với thời kì đó thôi
thank bạn nhé
minh thay co nhung mat tich cuc cua nho giao can phat huy ma khong chi ra nhung mat han che ma khac phuc .va noi them ơ VN nho giao ânh huong nhu the nao ve mat gi nua
Xã hội phát triển và hòa nhập, con người tiếp thu cái mới 1 cách vội vàng. Các giá trị cũ tạm thời bị che mờ, nhưng những chân lý đúng luôn tồn tại vĩnh cữu với thời gian. Giáo lý của Đức Khổng Tử dạy CON-NGƯỜI cách làm NGƯỜI cho đúng. Đúng trong xã hội và đúng trong gia đình.
NHÀ nhải có NÓC. Vì vậy NGƯỜI QUẢN TRỊ ( đất nước, Công ty, Gia đình) nếu có tâm thì cái NÓC ( = NGƯỜI QUẢN TRỊ + PHƯƠNG PHÁP QUẢN TRỊ ) mới VỮNG và là ĐIỂM TỰA SÁNG cho NHÂN VIÊN ( Nhân dân, Nhân viên, Thành viên trong gia đình) noi theo.
Bởi: TÂM mỗi người ai cũng có bao gồn THIỆN và ÁC. Cái ÁC có thắng thiện hay không là do NHÀ QUẢN TRỊ VÀ do bản thân chúng ta. Bởi suy cho cùng mỗi người đều phải tự là NHÀ QUẢN TRỊ cho chính bản thân mình
Bạm nói rất thực tế...
thanks b vi da viet bai nay.no that y nghia voi minh.
tam cương ngũ thường , nhân trí dũng .. chỉ là phần ngọn dành cho người sơ cơ thôi . Tâm pháp của Nho gia chính là Trung Dung , cái đạo Trung Dung này ai cũng biết từ bản năng , nhưng làm cho tới cùng thì chỉ có bậc đại thánh đã phối thiên , làm một với võ trụ .
Tại sao nho giáo trỡ thành công cụ thống trị tinh thần, bảo vệ xã hội phong kiến TQ?
cam on vi bai viet
hay
Đăng nhận xét