BÍ QUYẾT RÈN TẬP CHỐNG LÃO HÓA - Phần 1


PHẦN 1 :
THỰC HÀNH 5 BÀI THỨC TẬP VỚI CÂU CHUYỆN NGÀI ĐẠI TÁ BRADFORD 

( Ảnh minh họa )

    Một buổi chiều cách đây vài năm, khi tôi đang ngồi đọc báo trong công viên thì có một cụ gìa xuất hiện. Cụ tiến lại gần và ngồi xuống cạnh tôi. Trông cụ có vẽ đã gần thất tuần, với cái đầu hói, đôi vai buông thỏng và tấm thân khòm hẳn trên cây gậy. Lúc đó tôi không ngờ rằng sự gặp gỡ nầy đã thay đổi hẳn dòng đời của tôi.

    Một lúc sau, chúng tôi đã thích thú trò chuyện với nhau. Qua câu chuyện, tôi được biết người đàn ông nầy là một sĩ quan quân đội Anh đã về hưu và trước đây cũng có phục vụ trong ngoại giao đoàn của Hoàng Gia. Chính vì vậy mà ông có dịp đi đó đây khắp nơi trên thế giới. Và đại tá Bradford - tôi sẽ gọi ông ta như thế, dẫu đây không phải là tên thật của ông - đã làm tôi say sưa với những câu chuyện phiêu lưu của ông.

    Hôm đó, khi chia tay chúng tôi đồng ý gặp lại nhau và chẳng bao lâu sau chúng tôi trở thành 2 người bạn thân. Trong những lần gặp sau đó, chúng tôi thường trò chuyện hoặc tranh luận với nhau cho đến khuya, khi thì ở một quán do ông chọn, khi thì tại nhà tôi.

    Một trong những dịp nầy, tôi bỗng hiẻu rõ là ông Bradford muốn thố lộ một điều gì quan trọng, nhưng ông vẫn còn ngần ngại chưa muốn nói. Vì thế để ông được an tâm, tôi đã bảo đảm với ông rằng ông có thể nói ra những gì đang làm ông bận tâm và tôi hứa sẽ giữ kín câu chuyện.

    Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, ông Bradford chầm chậm nhìn tôi, rồi với lòng tin tưởng tăng lên, ông bắt đầu nói. Theo như lời ông Bradford thì cách đó vài năm, khi trú đóng tại Ấn Độ, ông đã có dịp tiếp xúc với những nhóm dân du mục sống trên những vùng xa xôi hẻo lánh của lục địa nầy và ông đã nghe nhiều chuyện lạ kỳ về đời sống và phong tục của họ. Tại đây, trong một quận lỵ mà ông đã đặt chân đến, có một chuyện lạ lùng đặc biệt làm ông chú ý và ông đã nhiều phen nghe người dân ở đây nhắc đi nhắc lại; nhưng có điều lạ là những người dân ở các quận lỵ khác thì hình như chẳng bao giờ nghe nói đến chuyện đó.

    Chuyện đó có liên quan đến một nhóm Lạt Ma (nhà sư Tây Tạng) và theo như chuyện kể thì nhóm Lạt Ma nầy nắm giữ cái bí quyết của "Suối Nguồn Tươi Trẻ". Từ nhiều ngàn năm nay, cái bí quyết lạ lùng nầy đã được chuyển giao, lưu giữ qua bao thế hệ của các thành viên thuộc tu viện nầy. Và tuy không tìm cách để dấu diếm, nhưng vì tu viện nằm sâu khuất trong một hốc núi nào đó của dãy Himalaya, nên thực sự đã cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài. 

    Vì vậy đối với người dân của huyện lỵ đó, thì từ lâu tu viện cũng như cái bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ" đã trở thành một thứ huyền thoại. Như chuyện thần tiên, họ kể về những người đàn ông gìa nua đã lạ lùng tìm lại được sinh lực và sự tráng kiện sau khi đã tìm thấy tu viện và vào sống ở đó. Nhưng tiếc thay, chẳng có ai trong nhóm của họ có thể biết chính xác tu viện tọa lạc ở đâu.

    Như hầu hết mọi người, khi bước vào tuổi 40, cơ thể của đại tá Bradford cũng bắt đầu với tiến trình lão hóa và từ đó ông không còn thấy một dấu hiệu tươi trẻ nào trổi lên nữa. Càng nghe nói về cái bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ" thần kỳ, ông lại càng tin chắc rằng hẳn phải có cái tu viện đó. Vì thế ông đã tìm cách thu lượm thật nhiều tin tức về địa lý, khí hậu, đặc tính của vùng lãnh thổ cùng những dữ kiện khác hầu có thể xác định nơi tọa lạc tu viện. Và trong khi xông xáo như thế, ông càng lúc càng bị ám ảnh bởi cái bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ" và nhất định phải tìm thấy nó cho bằng được.

    Theo như ông nói với tôi thì sự thôi thúc đó trở nên mãnh liệt đến nỗi ông phải quyết định trở sang Ấn Độ để đích thân tìm kiếm tu viện cùng cái bí quyết để tươi trẻ đó. Và đại tá Bradford hỏi Tôi có muốn cùng đi với ông không.

    Thông thường tôi luôn luôn là người đầu tiên nghi ngờ một chuyện có vẻ không tưởng như thế, nhưng trong lời nói cũng như hành động ông Bradford là một người hoàn toàn thành thực và càng nghe ông nói về bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ" tôi lại càng bị thuyết phục. Có lúc tôi toan theo ông Bradford tham gia vào cuộc tìm kiếm, nhưng rồi sau khi cân nhắc vấn đề, tôi đã nêu ra một số lý do để từ chối lời mời của ông.

    Tuy vậy chẳng bao lâu sau khi từ biệt ông Bradford, tôi bắt đầu thắc mắc liệu quyết định của mình có đúng hay không, và để được yên ổn với chính mình, tôi cho rằng qủa là điều sai lầm khi muốn chiến thắng cái tiến trình lão hóa. Có lẽ chúng ta nên nhẫn nhục bước vào tuổi gìa và đừng bắt chước những người khác, đòi hỏi qúa nhiều ở đời sống.

    Tự bảo vệ mình bằng cái lý luận vừa kể, vậy mà trong thâm tâm, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ". Thú thật tôi vẫn xem đó là một ý tưởng lạ lùng, hấp dẫn và tôi mong cho ông Bradford có thể tìm thấy nó!

    Thời gian trôi qua và với công việc bề bộn hàng ngày, hình ảnh của ông Bradford cùng câu chuyện của ông hầu như đã phai nhạt trong trí nhớ của tôi. Thế rồi một buổi chiều, khi trở về nhà tôi nhận được một lá thư của ông ta. Tôi vội vã mở ra và đọc cái lá thư xem chừng đã được viết trong một niềm vui thái qúa. Ông Bradford cho biết rằng mặc dầu có khó khăn và chậm trễ, nhưng ông tin chẳng bao lâu ông sẽ tìm thấy bí quyết "Suối Nguồn Tươi Trẻ". Ông không cho địa chỉ để trả lời thư, nhưng tôi cảm thầy nhẹ nhõm vì ít ra cũng biết được là ông ta vẫn còn sống.

    Rồi thêm nhiều tháng nữa trôi qua, thì lá thư thứ hai được gửi đến, hai tay tôi hầu như đã run rẩy khi mở nó ra. Trong một lúc, tôi tưởng chừng không tin nổi những gì đã được viết trong thư. Sự việc xảy ra tốt hơn cả tôi mong đợi. Ông Bradford chẳng những đã tìm thấy bí quyết của "Suối Nguồn Tươi Trẻ" mà còn mang nó về nước và sẽ về đến trong hai tháng tới.

    Vậy là 4 năm đã trôi qua kể từ khi tôi gặp người bạn gìa. Và tôi bắt đầu thắc mắc tự hỏi ông Bradford đã thay đổi ra sao trong 4 năm vừa qua. Liệu "Suối Nguồn Tươi Trẻ" có giúp ông làm ngưng lại cái dòng chảy của tuổi tác ? Liệu ông còn giữ được cái dáng dấp của lần cuối khi tôi thấy ông ? Hay là ông sẽ gìa đi như thế nào sau 4 năm trời trôi qua ?

    Cuối cùng cái cơ hội để trả lời những câu hỏi nầy đã tới. Một tối, tôi đang ở nhà một mình, thì chuông điện thoại reo lên. Khi nhấc máy, có tiếng người gác cổng báo rằng: "Đại Tá Bradford muốn gặp ông". Sững sờ và thích thú, tôi nói "Hãy mời ông ấy lên ngay hộ tôi". Một lúc sau, có tiếng chuông và tôi vội vã mở cửa nhưng liền khi đó tôi đã thất vọng và chưng hửng khi thấy trước mặt tôi không phải đại tá Bradford, nhưng là một người khác, trẻ hơn nhiều. Nhận thấy tôi ngạc nhiên, người lạ nói: "Chắc anh không ngờ chính tôi đây ?"

    Nghe như thế, tôi đáp với vẻ bối rối: "Vâng, tôi ngỡ ông là một ai khác". Người khách nói vói giọng thân thiện: "Vậy mà tôi tưởng mình sẽ được đón tiếp nồng nhiệt chứ! Nào, anh hãy nhìn kỹ vào mặt tôi đi. Không lẽ tôi phải tự giới thiệu hay sao ?"

    Nhìn vào người đàn ông đang đứng trước mặt, tâm trạng tôi chuyển từ bối rối sang chưng hửng không tin và rồi tôi từ từ nhận thấy rằng ông nầy có nét mặt hao hao giống đại tá Bradford khi còn trẻ. Thay vì trước mặt tôi là một cụ gìa tái xám, còng lưng trên chiếc gậy, thì bây giờ là một người cao, thẳng với khuôn mặt tráng kiện và mái tóc đen dày, có đôi chút điểm sương.

    Đại tá Bradford nói: “Thì chính tôi đây chứ còn ai khác! Nếu anh không mời tôi vào nhà thì tôi thấy lối ứng xử của anh qủa là đáng trách đấy.” Nhẹ nhõm và thích thú, tôi ôm lấy ông Bradford và nôn nóng tuôn ra một loạt câu hỏi. "Hãy chờ đã" ông Bradford vui vẻ nói. “Anh hãy bình tĩnh hít thở đi, rồi tôi sẽ kể cho anh nghe những gì đã xảy ra". Và sau đó ông bắt đầu kể.

    Theo như lời ông Bradford thì ngay khi đặt chân đến Ấn Độ ông đã đi thẳng đến cái huyện nơi người ta đã nghe truyền tụng về huyền thoại "Suối Nguồn Tươi Trẻ". Điều may mắn là ông cũng biết đôi chút tiếng bản xứ nên có thể sống nhiều tháng trong vùng nầy và làm quen với người dân ở đây và như thế, ông đã từ từ lần ra dấu vết. Đây là một tiến trình lâu dài, chầm chạp nhưng cuối cùng, nhờ kiên trì ông đã đạt được mục tiêu. Sau một chuyến thám hiểm dài và đầy bất trắc vào vùng khuất xa của dãy Himalaya, ông đã tìm ra cái tu viện mà theo như truyền thuyết, đang nắm giữ bí quyết của thuật trường sinh và cải lão hoàn đồng.

    Tôi chỉ mong sao thời gian và không gian có thể cho phép tôi ghi lại những gì mà ông Bradford đã trải qua sau khi được nhận vào tu viện. Tuy vậy, tôi nhận thấy có lẽ tốt hơn tôi không nên ghi chúng ra đây vì những sự việc đó xem chừng như có vẻ huyền hoặc, thần kỳ hơn là thực tế.

    Những nghi thức tập luyện của các Lạt Ma, nền văn hóa của họ và sự tách biệt của họ với thế giới bên ngoài là những điều mà người sống trong thế giới thời đại như chúng ta khó có thể am hiểu và nắm bắt. Trong tu viện, ông Bradford không hề trông thấy bóng dáng của một người gìa cả nào và vì đã lâu lắm các Lạt Ma chưa được trông thấy một người nào gìa nua, nên họ đã vui vẻ gọi ông Bradford là "người xưa cũ". Đối với họ ông là một biểu tượng cho một cái gì đó thật lạ lùng.

    Rồi ông Bradford kể tiếp: "Trong hai tuần đầu sau khi tôi vào tu viện, tôi có cảm tưởng mình chẳng khác gì một con cá bị vớt ra khỏi nước. Tôi không ngớt kinh ngạc trước những gì mình đang trông thấy và nhiều khi tôi tưởng chừng như không thể tin nổi ở mắt mình. Chẳng bao lâu sau tôi thấy mình khỏe hẳn ra; tôi có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm và khi thức dậy vào mỗi buổi sáng tôi thấy ngày càng khỏe khoắn hơn và dồi dào sinh lực hơn. Và cứ như thế, một thời gian ngắn sau, tôi thấy rằng mình chỉ cần dùng đến cái gậy trong những khi leo núi mà thôi.

    Một buổi sáng, khi đời sống trong tu viện tôi đã có được một ngạc nhiên lớn lao nhất trong đời. Hôm đó là lần đầu tiên tôi bước vào một căn phòng rộng lớn, được bày biện ngăn nắp; đây là thư viện, nơi cất giữ những cổ thư của nhà chùa. Ở đầu kia của tu viện có treo một tấm gương thật lớn. Vì từ hai năm qua tôi chỉ sống và sinh hoạt trong cái vùng xa xăm hẻo lánh nầy, nên tôi chẳng có dịp để nhìn ngắm mình trong gương; và sự tò mò đã thôi thúc tôi bước về tấm gương đó.

    Tôi trố mắt nhìn trong gương, tưởng chừng không thể tin nổi. Cái dáng vẻ bề ngoài của tôi đã thay đổi qúa chừng và tôi thấy mình như trẻ ra 15 tuổi. Từ nhiều năm qua lòng tôi vẫn hoang mang chẳng hiểu liệu "Suối Nguồn Tươi Trẻ" có phải là điều có thật hay không. Vậy mà giờ đây trước mắt tôi là một bằng chứng cụ thể cho cái có thật đó.

    Tôi không thể nào diễn tả hết được nỗi phấn chấn và vui mừng của tôi lúc đó. Trong những tuần và tháng sau đó, dáng vẻ của tôi ngày càng tươi trẻ ra đến nỗi mọi người đều nhận thấy sự thay đổi đó và chẳng bao lâu sau, không ai còn gọi tôi là "người xưa cũ" nữa."

    Nói đến dây, ông Bradford phải ngừng lại vì có tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa, đón vào một cặp khách và thầm nghĩ, dù họ là những người bạn thân, nhưng qủa thật đã đến không nhằm lúc. Cố dấu đi sự bực mình, tôi giới thiệu họ cho ông Bradford và chúng tôi ngồi trò chuyện một lúc. Sau đó, ông Bradford đứng dậy và nói: "Vì có một cái hẹn nên tôi rất tiếc không thể ngồi nói chuyện lâu hơn với các bạn. Tôi mong sẽ được gặp các bạn trong một ngày gần đây".

    Thế rồi, khi tôi đưa ông Bradford ra đến cửa, ông quay lại nhìn tôi và nói: "Trưa mai tôi muốn mời anh dùng cơm với tôi. Nếu anh đồng ý, tôi hứa sẽ kể cho anh nghe tất cả về "Suối Nguồn Tươi Trẻ". Tôi gật đầu và chúng tôi quyết định về thời gian và địa điểm gặp.

    Khi ông Bradford ra về, tôi quay lại với hai người bạn và thế là một trong hai người đã lên tiếng nhận xét ngay: "Ông ấy qủa là một người lạ lùng và quyến rũ, nhưng tôi không hiểu tại sao còn trẻ như thế mà ông ta đã về hưu". Nghe như thế tôi hỏi ngay: "Vậy theo bạn thì ông ấy bao nhiêu tuổi rồi ?" "à, ông không đến 40. Nhưng qua câu chuyện, tôi đoán ông ta ít ra phải tới 40". Tôi gật đầu mơ hồ: "Vâng, chắc cũng cỡ đó".

    Và để tránh né, tôi chuyển câu chuyện sang một đề tài khác. Bởi tôi không muốn đề cập tới câu chuyện khó tin của ông Bradford, ít ra là cho đến khi tôi được ông giải thích rõ ràng mọi sự.

    Ngày hôm sau, sau khi dùng cơm trưa cùng với nhau, tôi và ông Bradford lên phòng ông ấy ở khách sạn gần đó và tại đây tôi đã được ông cho biết đầy đủ chi tiết về "Suối Nguồn Tươi Trẻ".

Ông Bradford đã nói:
    "Sau khi vào tu viện, điều đầu tiên mà tôi được các Lạt Ma dạy bảo đó là; thân thể con người có 7 trung tâm năng lực. Người Tây Phương gọi đó là những điểm xoáy trong khi người Hindu gọi là luân xa. Tuy không thể trông thấy nhưng 7 luân xa nầy là những điện trường cực mạnh và chúng hoàn toàn có thực. Mỗi luân xa tập trung vào một trong số bảy tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của nó là kích thích sản xuất hormone. Chính những hormone nầy điều hành toàn bộ các chức năng của các cơ quan nội tạng và đồng thời điều hành cả tiến trình lão hóa".

    "Luân xa đầu tiên hay luân xa ở thấp nhất tập trung ở tuyến sinh dục. Luân xa thứ hai tập trung ở tuyến tụy trong vùng bụng. Luân xa thứ ba đóng tại tuyến thượng thận trong vùng đám rối dương (mạng dây thần kinh ở bụng). Luân xa thứ tư đóng tại tuyến ức ở vùng ngực. Luân xa thứ năm đóng ở tuyến giáp trạng nơi cổ. Luân xa thứ sáu đóng ở tuyến tùng, tại đáy sau của não. Và luân xa thứ bảy, luân xa đóng ở cao nhất, tập trung tại tuyến yên, nơi đáy trước của não ". [ Xin xem hình vẽ để dễ dàng thấy rõ hơn ]


    "Trong một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, sự hoạt động của những luân xa nầy thật mãnh liệt, giúp cho "prana" (sinh lực chủ yếu của sự sống hay còn được gọi là sinh lực vũ trụ) được trôi chảy qua các tuyến nội tiết. Nhưng nếu sự hoạt động của một hay nhiều luân xa đó bị trì trệ, thì dòng sinh lực của sự sống bị cản trở hoặc bế tắc và như thế đưa đến bệnh hoạn và gìa nua ".

    "Với một người khỏe mạnh thì những luân xa đó làm loang tỏa sinh lực ra đến tận làn da bên ngoài, ngược lại với một cơ thể gìa nua bệnh hoạn thì những luân xa nầy hầu như không thể đẩy sinh lực lên đến bề mặt của thân thể. Vì thế, cách thức nhanh nhất để dành lại sự tươi trẻ, sức khỏe và sinh lực là làm sao để cho những luân xa nầy hoạt động bình thường trở lại. Để đạt đến mục đích nầy, chúng ta có 5 bài tập sau đây; mỗi một trong 5 bài nầy tự nó đã rất hữu ích cho bạn, nhưng nếu muốn có được những kết qủa tối ưu thì bạn không nên bỏ sót một bài nào. Ở Himalaya, các Lạt Ma gọi chúng là những "thức". Vì thế ở đây tôi cũng muốn dùng lại từ ngữ đó".

    "Những trung tâm năng lực nầy là những chuyển động xoáy cực nhanh. Khi tất cả đều xoáy với một tốc độ cực nhanh như thế thì cơ thể đang ở trong trạng thái toàn hảo. Khi có một hoặc nhiều luân xa bị chậm lại thì tuổi gìa và suy thoái bắt đầu tiến trình xâm thực".


THỨC THỨ 1

    
    Ông Bradford nói tiếp: "Thức thứ nhất nầy là một phương pháp tập rất đơn giản. Mục đích cấp kỳ của nó là làm cho các luân xa xoáy nhanh trở lại. Bạn thường bắt gặp động tác nầy ở những trẻ em khi chúng chơi đùa.

   "Trong thức thứ nhất nầy, tất cả những gì mà bạn cần phải làm là giương thẳng 2 tay ra theo chiều ngang. Sau đó bạn xoay tròn cho đến khi hơi chóng mặt. Một điều mà bạn phải lưu ý đó là; xoay tròn từ trái sang phải. Nói cách khác, nếu bạn để cái đồng hồ trên sàn nhà trước mặt bạn, thì bạn phải quay theo chiều kim đồng hồ.

    "Hầu hết những người lớn tuổi chỉ có thể xoay khoảng 6 lần trước khi cảm thấy chóng mặt. Vì mới bắt đầu tập luyện, tôi khuyên bạn không nên vượt qúa 6 vòng quay. Sau đó, nếu cảm thấy chóng mặt thì bạn có thể ngồi hoặc nằm xuống để cho nó vơi đi. Lúc đầu tôi cũng đã từng làm như thế. Nói tóm lại để bắt đầu, bạn chỉ nên thực hành thức thứ nhất nầy cho đến khi hơi cảm thấy chóng mặt. Rồi dần dà, sau khi luyện tập cả 5 thức, bạn sẽ có thể xoay tròn nhiều vòng hơn mà không cảm thấy chóng mặt như lúc mới bắt đầu.

    "Ngoài ra để giảm thiểu sự chóng mặt, bạn cũng có thể noi theo cách thức của các vũ công. Trước khi bắt đầu quay tròn, bạn hãy tập trung tầm nhìn vào một điểm duy nhất nào đó trước mặt, và khi khởi sự quay, hãy hướng ánh mắt về cái điểm đó càng lâu càng tốt. Cuối cùng, bạn sẽ phải rời nó khỏi tầm mắt, để cho đầu bạn có thể cùng xoay theo thân. Khi điều nầy xảy ra, bạn xoay đầu thật nhanh hầu có thể hướng tầm mắt càng sớm càng tốt về cái điểm đó. Chính cái "điểm chuẩn" nầy giúp bạn đỡ chóng mặt và không bị lúng túng".

    [ Ghi chú thêm của người đã tập thức nầy: Khi xoay tròn nên hít thật sâu và thở ra thật dài. Khi xoay thì hai bàn chân phải di động, vì vậy nên giữ cho 2 gót chân chạm vào nhau. Như thế sẽ giúp cho mình cảm thấy thăng bằng bởi vì lúc nào mình cũng cảm thấy có điểm tựa ở trên 2 bàn chân của mình hay nói cách khác là mình cảm thấy như đang quay trên một cái trục. Nếu không thì mình sẽ quay hết cái phòng và có thể 2 bàn tay sẽ chạm vào những đồ vật xung quanh ]

    "Khi tôi nêu vấn đề nầy với Lạt Ma, ngài đã giải thích rằng cái động tác xoay người nầy có một tác dụng rất hữu ích, nhưng đồng thời nó cũng mang tính tác hại. Ngoài ra, ngài cũng cho biết sự xoay tròn thái qúa đã kích thích qúa mức một số những luân xa đến nỗi cuối cùng chúng bị cạn kiệt. Điều nầy đưa đến hệ lụy là trước tiên làm tăng nhanh dòng trôi chảy của prana, nguồn sinh lực chủ yếu của sự sống và rồi làm bế tắc nó. Cái hành động xây dựng rồi xé toạc nầy khiến các giáo sĩ Hồi Giáo phải nếm trải một trạng thái "chấn động tâm thần" (tẩu hỏa nhập ma) và khiến cho họ đi lệch ra khỏi con đường của tôn giáo và gía trị tinh thần vốn cao siêu của nó.

Và ông Bradford nói tiếp:  " Nhưng các Lạt Ma thì không bao giờ đưa thức xoay mình đến chỗ thái qúa. Trong khi các giáo sĩ Hồi Giáo có thể xoay mình hàng trăm lần, thì các Lạt Ma chỉ thực hành nó khoảng chục lần hoặc nhiều hơn đôi chút, vừa đủ đưa các luân xa vào hoạt động.

THỨC THỨ 2

Ông Bradford nói tiếp:
     "Tiếp theo thức thứ nhất là thức thứ hai và mục tiêu của thức nầy là nhằm kích thích hơn nữa bảy luân xa. Thức nầy cũng đơn giản như thức thứ nhất. Trong thức nầy người tập phải nằm dài trên sàn, mặt ngửng lên. Tốt nhất bạn nên nằm trên một tấm thảm dầy hoặc một tấm nệm bằng phẳng. Các Lạt Ma thực hành nghi thức nầy trên một tấm thảm mà người Tây Phương thường gọi là thảm cầu kinh; thảm làm bằng len khá dầy và mục đích của nó là để ngăn không cho cơ thể bị thấm nhiễm bởi cái lạnh của sàn nhà.

    "Một khi bạn đã nằm duổi lưng, thẳng người, hãy buông hai cánh tay dọc theo hông, gan bàn tay úp xuống sàn, giữ cho các ngón tay sát vào nhau. Tiếp đó bạn nhấc đầu lên, thu cầm vào ngực. Trong khi làm như thế, nhấc hai cẳng chân lên, đầu gối thẳng, trong thư thế thẳng đứng. Nếu có thể bạn hãy để hai chân vươn ngược lên trên thân về phía đầu, nhưng phải giữ cho 2 đầu gối thật thẳng.

    "Rồi từ từ thả đầu và hai cẳng chân xuống sàn nhà trong khi đầu gối vẫn giữ thẳng. Hãy thư giãn toàn bộ các cơ bắp sau đó, thực hành lại thức tập nầy. Trong khi thực hành bạn hãy tuân theo nhịp thở như sau: hít vào thật sâu khi bạn nhấc đầu và hai cẳng lên, thở ra toàn bộ khi bạn hạ đầu và hai chân xuống. Giữa những lần tập, trong khi bạn thư giãn cơ bắp, bạn vẫn tiếp tục hít thở theo nhịp vừa kể. Càng hít thở sâu thì càng tốt.

    "Nếu không thể giữ cho hai đầu gối được thật thẳng, thì bạn có thể cong chúng theo mức độ cần thiết. Tuy vậy nếu bạn tiếp tục luyện tập thức nầy, thì hãy cố để giữ cho 2 đầu gối càng thẳng càng tốt.

    "Một vị Lạt Ma đã kể với tôi rằng khi lần đầu tiên ngài thực hành cái thức luyện tập nầy, ngài đã qúa gìa yếu và lụ khụ đến nổi ngài không thể nhấc hai bàn chân trong tư thế thẳng đứng. Vì thế ngài bắt đầu bằng cách đưa hai chân lên trong tư thế cong và với tư thế đó, đầu gối ngài thẳng tắp nhưng hai chân thì tòn teng. Thế rồi từ từ, từng chút một, ngài có thể giương thẳng chân ra và 3 tháng sau đó ngài đã có thể giương thẳng chúng một cách dễ dàng".

A. Nằm thẳng người và buông 2 tay theo hình
B. Nhấc đầu lên, thu cầm vào ngực
C. Đưa 2 chân, đầu gối thẳng và hít thở đều
THỨC THỨ 3

    "Thức thứ ba nầy cần phải được thực hành ngay sau thức thứ hai. Tựa như thức trước, thức nầy cũng rất đơn giản. Tất cả những gì mà bạn phải làm là qùy gối trên sàn nhà và giữ cho thân mình thẳng đứng, hai bàn tay áp sát vào đùi. Sau đó nghiêng đầu và cổ về phía trước, cằm thu vào ngực. Tiếp đến ngửa đầu và cổ ra phía sau càng xa càng tốt, đồng thời ngã người ra sau, cong hẳn cột sống. Khi cong mình như thế bạn hãy bám cánh tay và bàn tay lên đùi để làm điểm tựa. Cong người xong, hãy trở về với tư thế cũ và lập lại toàn bộ thức thứ ba nầy lần nữa.

    "Cũng tựa như thức thứ hai, ở thức thứ ba nầy bạn cũng phải điều hòa nhịp thở đúng như quy định. Bạn phải hít vào thật sâu khi cong cột sống và thở ra khi quay về với tư thế thẳng đứng. Hít thở sâu là điều rất hữu ích vì như thế bạn có thể đưa dưỡng khí vào buồng phổi càng nhiều càng tốt.


    "Tôi đã từng trông thấy cảnh 200 Lạt Ma đồng loạt luyện thức nầy. Để điều tâm hay nói khác hơn là tập trung tư tưởng, tất cả đều nhắm mắt lại để loại bỏ những ràng buộc của thế giới bên ngoài và có thể tập trung vào chính mình.

A. Quỳ gối và giữ thẳng lưng
B. Nghiêng Đầu, cổ phía trước và thu cằm vào ngực
C. Ngửa đầu và cổ ra sau hết cỡ ,  tay bám chặt vào đùi

THỨC THỨ 4

Ông Bradford kể:  "Lần đầu tiên thực hành thức thứ tư nầy, tôi đã cảm thấy rất khó khăn. Nhưng rồi một tuần sau, nó trở nên đơn giản như những thức khác.

    "Trước tiên bạn hãy ngồi xuống trên sàn nhà, hai cẳng chân duỗi ra phía trước, hai bàn chân đặt cách nhau khoảng 20 cm, gan hai bàn tay úp xuống sàn, dọc theo mông. Sau đó thu cằm về phía trước ngực. Tiếp đến, bạn hãy ngã đầu ra phía sau, càng xa càng tốt đồng thời nhấc thân mình lên sao cho đầu gối cong lại trong khi hai cánh tay trở nên thẳng đứng. Với tư thế nầy, thân hình trở thành song song với sàn nhà, và thẳng góc với hai cánh tay và hai cẳng chân. Rồi bạn hãy gồng căng mọi cơ bắp của cơ thể. Cuối cùng khi quay trở lại với thế ngồi ban đầu, bạn hãy thư giãn các cơ bắp và nghỉ một lúc trước khi lặp lại các động tác của thức tập.

    "Cũng vậy, thở là điều quan trọng trong thức nầy. Bạn hãy hít vào thật sâu khi nhấc thân mình lên và thở ra thật dài khi bạn hạ người xuống. Tiếp tục duy trì nhịp thở nầy khi bạn nghỉ ngơi giữa hai lần tập.

Rồi ông Bradford nói tiếp:

    "Sau khi rời tu viện, tôi đã chu du một số đô thị lớn của Ấn Độ và để thử nghiệm, tôi đã mở một số lớp để hướng dẫn 5 thức tập thể dục nầy cho những người Anh cũng như dân bản xứ. Tôi nhận thấy những người lớn tuổi trong cả hai nhóm nầy đều cho rằng họ không tài nào thực hành thức thứ tư bởi vì họ đã qúa gìa. Đây là ý nghĩ sai lầm và đồng thời khiến cho tôi phải khó khăn khi thuyết phục họ. Cuối cùng tôi khuyên họ hãy làm tất cả những gì có thể trong vòng một tháng để xem tiến triển thế nào. Và lời khuyên nầy của tôi đã mang lại nhiều kết qủa tốt đẹp hơn dự đoán.

    "Tôi còn nhớ có lần tôi hướng dẫn một lớp có một số ít người lớn tuổi và khi chuyển sang thức thứ tư nầy, những người đó hầu như không thể nhấc thân mình lên khỏi sàn nhà và đương nhiên không thể đạt tới tư thế song song với sàn nhà. Cũng tại lớp nầy, có một số người trẻ đã thực hiện động tác nầy một cách dễ dàng, ngay trong buổi đầu tiên. Điều nầy làm cho những người cao tuổi cảm thấy chán nản nên vì thế tôi phải tách thành hai nhóm. Tôi đã giải thích cho những người cao tuổi rằng lần đầu tiên khi tập thức thứ tư nầy, tôi cũng chẳng hơn gì họ, nhưng giờ đây tôi có thể thực hành liên tục 50 lần thức nầy mà không hề thấy mệt mỏi hay căng thẳng cơ bắp. Và để chứng minh cho điều đó, tôi đã thực hành ngay trước mặt họ. Kể từ đó những người cao tuổi đã đạt được những tiến bộ vượt bực.

    "Bạn phải nhớ rằng sự khác biệt giữa trẻ trung và gìa nua, giữa khỏe mạnh và bệnh hoạn, chỉ đơn giản tùy thuộc ở tốc độ quay của luân xa. Đưa tốc độ xoay của luân xa về với chuẩn mực thông thường của nó, thì một người gìa nua lại có thể trở nên trẻ trung và khỏe mạnh".

A. Chân duỗi thẳng, 2 bàn chân cách 20 cm, 2 bàn tay úp xuống 
B. Thu Cằm về trước ngực
C. Ngã đầu về phía sau, nhấc mình lên như hình  vẽ
THỨC THỨ 5

A.  Thân hình hướng xuống được chống đỡ  2  tay,  các ngón chân cong lại
B. 2 bàn chân cách nhau 60cm, cánh tay và chân phải thẳng
Ông Bradford nói tiếp:

    "Khi thực hành thức thứ 5, thân hình của bạn phải hướng xuống mặt đất, được chống đỡ bởi hai tay, gang bàn tay áp xuống sàn nhà và các ngón chân ở trong tư thế cong lại. Với thức tập nầy, bạn phải đặt hai bàn chân cách nhau khoảng 60 cm trong khi cánh tay và cẳng chân phải giữ thẳng.


    "Để bắt đầu bạn hãy chống hai tay thẳng đứng xuống sàn nhà và cong cột xương sống sao cho thân mình ở trong tư thế lún xuống. Tiếp đó ngã đầu ra phía sau càng xa càng tốt rồi cong ở phần hông và đưa thân mình lên trên để tạo thành chữ V ngược (tức là chổng mông lên trời). Đồng thời bạn hãy đưa cằm tới trước và áp sát vào ngực. Tất cả chỉ có thế. Thực hành xong, bạn trở lại với tư thế ban đầu và lập lại toàn bộ thức tập nầy.

    "Sau tuần lễ đầu tiên, thông thường bạn sẽ thấy đây là một trong những thức tập dễ nhất. Một khi đã thuần thục rồi, bạn hãy để cho thân mình rơi xuống tới một điểm hầu như là chạm sàn nhà, nhưng không hoàn toàn chạm hẳn. Hãy gồng căng các cơ bắp trong một lúc, kể cả khi thân bạn đang ở điểm cao cũng như khi hạ xuống thấp.

    "Tiếp tục hít thở sâu như đã áp dụng trong những thức trước đây. Hãy hít vào thật sâu khi bạn nâng người lên và thở ra hết khi bạn hạ người xuống".

Rồi ông Bradford giải thích :

    "Ở bất cứ nơi đâu, khi tôi truyền đạt những thức tập nầy, thì trước tiên người ta thường cho rằng chúng giúp làm giãn cơ bắp và các khớp bị xơ cứng, đồng thời giúp cho các cơ bắp trở nên rắn chắc. Tuy vậy, mục tiêu chủ yếu của những thức tập nầy là đưa tốc độ quay của các luân xa về với chuẩn mực thông thường nghĩa là phù hợp với tốc độ quay của các luân xa của một người khỏe mạnh ở độ tuổi 25.

    "Trong con người tất cả các luân xa đều có cùng một tốc độ xoay. Mặt khác, nếu bạn có thể trông thấy 7 luân xa của một người ở lứa tuổi trung niên - nam hoặc nữ, thì bạn sẽ hiểu ngay rằng tốc độ quay của một số các luân xa trong cơ thể họ đã bị chậm lại rất nhiều. Tất cả chúng đều xoay với những tốc độ khác nhau và chẳng có luân xa nào có thể cùng vận hành một cách nhịp nhàng và hài hòa với luân xa khác. Luân xa quay chậm sẽ làm cho phần cơ thể nơi nó tập trung bị suy thoái, trong khi luân xa quay nhanh tạo ra sự lo lắng, bồn chồn, căng thẳng và mệt mỏi. Vì thế, sự hoạt động bất thường của các luân xa mang lại sự suy yếu, bệnh hoạn và gìa nua.

    Nghe ông Bradford mô tả về 5 thức luyện tập vừa kể, đầu óc tôi không ngừng thắc mắc. Vì thế giờ đây, khi ông đã nói xong, tôi không ngần ngại nêu lên một vài câu hỏi. Và câu hỏi đầu tiên của tôi là : "Với mỗi thức như thế thì chúng ta phải thực hành bao nhiêu lần ?"

Ông Bradford nói:

    "Để bắt đầu, trong tuần lễ thứ nhất tôi khuyên bạn nên thực hành mỗi ngày một buổi, với ba lần cho mỗi thức tập. Rồi trong những tuần lễ kế tiếp, gia tăng thêm hai lần các buổi tập cho đến khi mỗi ngày bạn có thể thực hiện 21 lần cho mỗi thức. Nói cách khác, trong tuần lễ thứ hai, thực hành 5 lần cho mỗi thức; tuần lễ thứ ba, 7 lần; tuần thứ tư, 9 lần và cứ thế tiếp tục. Như vậy trong khoảng thời gian 10 tuần bạn sẽ có thể thực hiện đầy đủ 21 lần mỗi ngày cho toàn bộ 5 thức.

    "Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thực hành thức thứ nhất - xoay tròn - theo cùng một số lần với những thức khác, thì bạn có thể chia ra làm nhiều lần để thực hành, sao cho đủ 21 lần mà không phải chóng mặt. Và tôi tin rằng cuối cùng bạn cũng có thể xoay tròn 21 lần như đã định.

    "Tôi biết có một người đã thực hiện những thức nầy trong hơn một năm ròng rã trước khi có thể xoay tròn nhiều lần như đã quy định ở thức thứ nhất. Ông ta có thể dễ dàng thực hành những thức khác, nhưng với thức xoay tròn nầy thì tiến rất chậm và phải cần một thời gian dài mới có thể thực hiện 21 lần xoay trong một lúc. Và sau đó ông ta đã đạt được những thành qủa mỹ mãn.

   "Tuy vậy cũng có những người không hề cảm thấy khó khăn khi xoay tròn. Thông thường, họ là những người đã bỏ qua thức thứ nhất nầy để thực hành 4 thức còn lại trong vòng 3 đến 6 tháng và rồi họ nhận ra rằng mình có thể bắt đầu với thức thứ nhất".

Nghe giải thích xong tôi hỏi tiếp: "Thế thì ta nên tập luyện những thức nầy vào lúc nào trong ngày ?"

Ông Bradford đáp:

    "Bạn có thể thực hành vào buổi sáng hoặc buổi tối, tùy theo giờ giấc thuận tiện. Riêng tôi, tôi thực hành trong cả 2 buổi sáng và tối; nhưng vì bạn là người mới tập tểnh bước vào con đường tập luyện nên tôi không muốn thôi thúc bạn. Sau khi đã tập luyện những thức nầy được 4 tháng, bạn có thể bắt đầu dành thời gian để thực hành nhiều lần vào buổi sáng, và buổi tối bạn chỉ thực hành 3 lần cho mỗi thức. Hãy tuần tự gia tăng số lần tập luyện như bạn đã làm trước đó, cho đến khi thực hành đủ 21 lần. Bạn không cần thực hành những thức nầy nhiều hơn 21 lần vào buổi sáng cũng như buổi tối, trừ khi bạn thật sự bị thôi thúc bởi sự luyện tập.

Đến đây câu hỏi kế tiếp của tôi là: "Tất cả những thức tập nầy đều có tầm quan trọng ngang nhau ?"

Ông Bradford gật đầu:

    "Đúng, 5 thức tập nầy liên kết nhau để tác động lên cơ thể bạn và chúng cùng có chung một tầm quan trọng. Sau một thời gian tập, nếu bạn thấy không thể cùng một lúc thực hành các thức nầy theo số lần quy định, thì bạn hãy tách chúng thành hai buổi tập, một vào ban sáng và một vào buổi tối. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc thực hành một thức nào đó trong 5 thức nầy thì hãy bỏ nó sang một bên để chú tâm vào việc thực hành 4 thức kia. Rồi vài tháng sau đó, hãy tập lại cái thức mà bạn đã thấy khó khăn và bỏ qua trước đây. Với cách nầy, kết qủa sẽ đến chậm hơn nhưng dẫu sao thì nó cũng đến.

    "Khi tập luyện các thức nầy bạn không bao giờ nên gắng sức để thực hiện cho bằng được. Điều đó sẽ không mang lại cho bạn một lợi ích nào. Đơn giản ra, bạn chỉ nên làm tất cả những gì bạn có thể rồi từ từ tiến lên và đừng bao giờ nản chí. Với thời gian và kiên trì, cuối cùng rồi cũng như mọi người tập luyện khác, bạn có thể thực hiện cả 5 thức nầy 21 lần mỗi ngày.

Đến đây tôi hỏi: "Vậy sẽ ra sao nếu ta bỏ hẳn một trong 5 thức ?"

Ông Bradford trả lời :

    "Có thể nói đây là những thức tập đầy thần lực. Vì thế nếu bỏ hẳn một trong 5 thức trong khi bạn vẫn đều đặn và tập luyện đầy đủ 4 thức kia, thì bạn sẽ có được những kết qủa tuyệt hảo. Bạn phải hiểu rằng, chỉ một thức không thôi cũng đủ để tạo ra sự thần kỳ, điều mà tôi đã chứng minh qua vũ điệu xoay tròn của các tu sĩ Hồi Giáo. Những tu sĩ gìa, vì không xoay mình thái qúa như những người trẻ, nên đã giữ được sự khỏe mạnh cường tráng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy rằng chỉ một thức tập không thôi cũng đủ mang lại những kết qủa hùng hồn. Vì vậy, nếu bạn thấy rằng mình không thể thực hành toàn bộ 5 thức, hoặc không thể thực hành toàn bộ 5 thức, hoặc không thể thực hành đầy đủ 21 lần mỗi ngày, thì hãy vững tin rằng bạn sẽ đạt được những kết qủa tốt đẹp với bất cứ thức nào mà bạn có thể thực hiện".

Tôi thắc mắc: "Liệu những thức nầy có thể thực hành song song với các chương trình thể dục khác hay như thế sẽ gây ra bất lợi gì ? "

Ông Bradford đáp:

    "Không sao cả. Nếu bạn đang theo một chương trình tập thể dục nào đó thì cứ việc tiếp tục. Còn như nếu bạn chưa có một chương trình tập luyện nào thì tôi khuyên bạn hãy bắt đầu đi. Bất cứ một hình thức tập thể dục nào cũng giúp cho cơ thể duy trì sự quân bình và tươi trẻ. Thêm vào đó, 5 thức tập mà tôi trình bày sẽ giúp bạn đưa vòng quay của các luân xa vào chuẩn mực thông thường hầu cơ thể được dễ dàng đón nhận những thành qủa do các bài thể dục mang lại".

Tôi hỏi : "Năm thức tập đó có cần phải kết hợp với điều gì khác ?"

Ông Bradford đáp:
    "Có hai điều sẽ giúp ích, nếu bạn biết kết hợp đúng đắn. Điều thứ nhất là, như tôi đã nói trước đây, bạn phải thở thật đều và sâu trong những lần nghỉ giữa hai thức tập. Ngoài ra, giữa hai thức tập, bạn nên đứng thẳng người, hai tay đặt lên hông trong khi vẫn thở đều đặn duy trì nhịp thở sâu. Khi thở ra bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang đẩy ra mọi căng thẳng đang chất chứa bên trong cơ thể, để như thế bạn cảm thấy thư giãn và nhẹ nhỏm. Khi bạn hít vào, hãy tưởng tượng rằng bạn đang rót đầy vào mình một cảm giác thoải mái và toàn mãn.

    "Điều thứ hai là sau khi tập, bạn nên tắm bằng nước ấm hoặc nước mát. Hoặc tốt hơn bạn nên lau người lẹ làng bằng một khăn ẩm, rồi sau đó dùng khăn khô để lau lại. Một điều tôi khuyên bạn nên tuyệt đối tránh là: tắm bằng nước lạnh hay lau bằng khăn ướt qúa lạnh. Vì như thế bạn có thể bị thấm lạnh vào trong. Và nếu làm như thế thì bạn đã loại bỏ tất cả những gì tốt đẹp mà bạn đã gặt hái qua 5 thức tập".

Tôi rất thích thú về những gì ông Bradford đã trình bày, nhưng tự thâm tâm, tôi vẫn còn thắc mắc về một số điều. Tôi hỏi: "Phải chăng Suối Nguồn Tươi Trẻ là thực sự đơn giản như ông đã mô tả cho tôi ?"

Ông Bradford gật đầu:

    "Đúng. Tất cả những gì mà bạn cần phải làm là tập 3 lần mỗi ngày (cho mỗi thức) để bắt đầu và từ từ tăng lên cho đến khi mỗi ngày thực hành đủ 21 lần cho mỗi thức. Đây là một bí quyết tuyệt vời có thể giúp ích cho toàn thế giới nếu được mọi người biết đến.

    "Dĩ nhiên để đạt được những kết qủa thực sự, bạn phải mỗi ngày thực hành những thức tập nầy. Mỗi tuần bạn có thể nghỉ tập một ngày, nhưng không được nghỉ nhiều hơn bởi vì lý do nào đó mà bạn bỏ đi thói quen tập luyện hàng ngày thì như thế bạn sẽ làm tổn hại đến toàn bộ sự tiến triển của mình.

    "May thay hầu hết mọi người, khi đã bắt đầu tập những thức nầy, thì không những thấy chúng dễ dàng mà còn thích thú và hữu ích để thực hành mỗi ngày, nhất là khi họ thấy được những lợi ích của chúng.

    "Nói tóm lại, bạn chỉ mất khoảng 20 phút để thực hành 5 thức nầy. Và nếu bạn là người có đầy đủ thể chất, thì bạn có thể thực hành chúng trong vòng 10 phút hoặc ít hơn. Nếu bạn phải bề bộn suốt ngày, không có thời giờ luyện tập, thì nên dậy sớm vài phút vào buổi sáng, hoặc đi ngủ hơi muộn vào buổi tối hầu dành ra đôi chút thời gian để tập luyện.

    "Ngoài ra, đối với những ai muốn rằng mình được thật là tươi trẻ, thì họ cần phải biết đến một yếu tố cực kỳ quan trọng khác. Đó là thức thứ sáu, một thức tập bổ sung, mà tôi cố tình dành nó về sau để trình bày với bạn.


>> Xem tiếp theo PHẦN 2-3-4  THỨC THỨ 6 VÀ LỜI KHUYÊN VỀ DINH DƯỠNG - LUYỆN GIỌNG


Các Mục Liên Quan : 




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào: